Cuộc chiến tranh Triều Tiên “ngủ” trong hơn 60 năm qua đang có nguy cơ thức giấc trở lại nếu nhìn vào những sức mạnh quân sự mà Mỹ với liên minh Nhật, Hàn cùng Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đang phô diễn xung quanh bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây.
>Kế hoạch ứng phó với chiến tranh hạt nhân từ 37 năm trước của Mỹ
Đe dọa hôm trước, hôm sau phóng tên lửa!
Sáng sớm ngày 15-9 (giờ địa phương), Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo từ quận Sunan trong thủ đô Bình Nhưỡng hướng về phía Nhật Bản. Theo thông báo của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản tổng hợp thông tin từ hệ thống J-Alert, tên lửa của Triều Tiên được phóng đi lúc 6 giờ 57 phút sáng (giờ Nhật), bay ngang qua Hokkaido và rơi xuống biển lúc 7 giờ 6 phút sáng, cách mũi Erimo thuộc đảo Hokkaido khoảng 2.000 km.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên bay khoảng 3.700 km và đạt độ cao tối đa 770 km, cao hơn và xa hơn so với các lần thử trước đó. J-Alert là hệ thống khẩn cấp của Nhật Bản được thiết lập năm 2007, sử dụng vệ tinh để phát cảnh báo qua truyền hình, đài phát thanh và điện thoại thông minh, giúp ban hành các lệnh sơ tán hoặc ứng phó trong trường hợp an ninh quốc gia bị đặt vào vòng nguy cấp.
ruyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và quân đội Hàn Quốc tin rằng, đây là tên lửa đạn đạo tầm trung, giống loại Hwasong-12 được phóng hồi tháng 8. Nhưng Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tin đây là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có tầm phóng lớn hơn nhiều.
Đây là hành động leo thang mới nhất trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay, là lần thứ hai Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (lần gần đây nhất diễn ra vào ngày 29-8). Chỉ 1 ngày trước khi phóng tên lửa, Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa ra lời đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân “nhấn chìm” Nhật Bản và biến Mỹ thành “tro tàn và bóng tối” vì đã ủng hộ nghị quyết và các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của nước này.
Lệnh trừng phạt bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên. Triều Tiên gọi đây là “nghị quyết trừng phạt xấu xa và phi pháp”, tuyên bố sẽ “tăng gấp đôi các nỗ lực phát triển sức mạnh để bảo vệ chủ quyền và quyền được tồn tại”.
Triều Tiên dọa “nhấn chìm” Nhật, biến Mỹ thành “tro tàn và bóng tối”.
Theo Reuters, Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương, là cơ quan giải quyết các mối quan hệ với nước ngoài và cũng là cơ quan tuyên truyền của Triều Tiên, kêu gọi giải tán Hội đồng Bảo an, mà ủy ban này mô tả là “công cụ của cái ác”, gồm các quốc gia bị “mua chuộc” nên phải hành động theo lệnh của Mỹ.
Chưa hết, cũng trong ngày 14-9, chuyên trang về Triều Tiên 38 North của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) loan tin về các dấu hiệu mới cho thấy hoạt động khả nghi ở núi Mantap, gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Chưa biết Triều Tiên có phải đang chuẩn bị cho một cuộc thử hạt nhân mới hay không.
Nhận được tin báo “thêm một quả tên lửa bay qua Nhật Bản”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), quy trình diễn ra sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hoặc tên lửa. Ông nói, việc “phóng tên lửa cấp tập” như thế này chỉ khiến Triều Tiên bị cô lập hơn nữa và cảnh báo về các mối đe dọa mới, như những cuộc tấn công sinh - hóa học từ Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lên án Triều Tiên, gọi vụ phóng là hành động đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế. Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó mọi mối đe dọa từ Triều Tiên và sẽ tăng cường năng lực đối phó sự khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: “Chúng ta không bao giờ có thể tha thứ cho việc Triều Tiên xem thường mọi quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế hướng đến hòa bình được thể hiện trong các nghị quyết LHQ và tiếp tục có hành động thái quá như vậy”. Ông cảnh báo: “Nếu tiếp tục con đường này, Triều Tiên sẽ không có tương lai tươi sáng. Chúng ta cần khiến Triều Tiên hiểu rõ điều đó”.
Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận tại vịnh Bột Hải hôm 5-9.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lại hướng đến Trung Quốc và Nga trong phát biểu của mình: “Trung Quốc và Nga phải cho thấy sự không khoan nhượng trước những vụ phóng tên lửa liều lĩnh này bằng những hành động riêng và trực diện".
Reuters dẫn lời ông cho rằng, Trung Quốc là nước cung cấp cho Triều Tiên phần lớn dầu mỏ còn Nga là nước lớn nhất thuê lao động người Triều Tiên. Hội đồng Bảo an LHQ ra thông báo, sẽ tổ chức họp khẩn vào 19h GMT (khoảng 15 giờ) hôm nay về động thái khiêu khích mới nhất của Triều Tiên.
Liệu có ngăn được ý chí và tham vọng của Triều Tiên?
Căng thẳng trong khu vực đã gia tăng rõ rệt kể từ khi Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3-9 và sau khi Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 11-9 thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo một loạt biện pháp trừng phạt mới, cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên và cấm xuất khẩu nhiên liệu cho nước này. Nghị quyết này được sự nhất trí của 15 thành viên.
Trong 10 ngày qua, các cường quốc thế giới và khu vực liên tục có những cuộc tập trận quy mô lớn quanh Bán đảo Triều Tiên. Ngày 9-9, các chiến đấu cơ F-15 Nhật Bản tập trận với oanh tạc cơ B1B của Mỹ tại vùng trời ở biển Hoa Đông. Trước đó, ngày 7-9, Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cho biết lực lượng này đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn với tình huống bảo vệ đảo tiền tiêu gần vùng biển giáp ranh với Triều Tiên ở phía tây.
Quân đội Hàn Quốc tập trận rầm rộ sát biên giới Triều Tiên ngày 6-9.
Truyền thông Trung Quốc ngày 8-9 cho biết, không lực nước này đã tiến hành các cuộc tập trận gần Bán đảo Triều Tiên, nhằm luyện tập để chống lại một “đợt tất công bất ngờ” đến từ vùng biển này. Cách đó 3 ngày, hôm 5-9, quân đội Trung Quốc đã tập trận chống tên lửa tại vùng biển phía tây Hoàng Hải. Đây là cuộc diễn tập thứ ba của quân đội Trung Quốc tại khu vực gần vịnh Bột Hải kể từ cuối tháng 7.
Liên quan tới các cuộc tập trận giữa Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên cho rằng chính những cuộc tập trận thường xuyên giữa hai nước kia đe dọa tới an ninh của mình và nước này phải trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ. Cuộc tập trận gần đây nhất giữa Mỹ và Hàn là vào ngày 21-8.
Ngày 14-9, ông Moon Chung-in, Cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, tái khẳng định “quan điểm cá nhân” của mình rằng, Hàn Quốc cần xem xét giảm bớt các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ để đổi lại việc Triều Tiên “đóng băng” chương trình hạt nhân.
Cũng trong ngày 14-9, quân đội Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn cùng Belarus cả trên bộ và trên biển Baltic tại khu vực phía đông Liên minh châu Âu. Cuộc tập trận chiến thuật phương Tây 2017 (Zapad 2017) dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 20-9 tại các địa điểm gồm Kaliningrad, Pskov, Leningrad của Nga và tại Belarus.
Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, Zapad 2017 chỉ mang tính phòng thủ nhưng một lần nữa, nó khiến các nước láng giềng NATO phải lo lắng. Mặc dù địa điểm tập trận không ở châu Á nhưng sự thể hiện sức mạnh quân sự của Nga ở châu Âu cũng góp phần cho thấy không khí chiến tranh khi mà tất cả các cường quốc đều cùng phô diễn sức mạnh quân sự.
Vậy trong số các nước trên ai sẽ giúp giải quyết được vấn đề Triều Tiên? Theo báo chí Pháp, câu trả lời có lẽ là không ai hết! Theo nhật báo La Croix, cả 6 quốc gia can dự chính đều mong muốn tận dụng hồ sơ Triều Tiên để phục vụ cho những lợi ích riêng của mình. Bán đảo Triều Tiên từ lâu được xem như là một bàn cờ tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Vũ khí hạt nhân là một bảo đảm cho sự sống còn của chế độ trước sự hiện diện của 30.000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và nguy cơ thống nhất đất nước dưới sự kiểm soát của Seoul. Bị phớt lờ và đánh giá thấp, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng giờ đi đến một điều hiển nhiên: Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân, khả tín, có khả năng tự vệ trong trường hợp bị Mỹ tấn công. Sự “bảo đảm sống còn” này giờ đang làm cả thế giới run sợ.
Về phần Hàn Quốc, thống nhất hai miền chỉ là một chuyện hão huyền. “Anh em một nhà” nhưng chẳng khác nào hai kẻ xa lạ. Cả hai phía thật ra chưa sẵn lòng hợp nhất, bởi vì miền Nam giàu có không có ý định chia sẻ tài sản với người anh em nghèo khổ (miền Bắc). Một sự tái hợp có thể làm tốn của Seoul đến 2.000 tỷ USD. Duy trì hiện trạng lại rất thích hợp với Seoul. Ngoài việc đề nghị đàm phán, mọi cánh cửa khác hầu như vẫn khép chặt.
Không quân Nhật - Mỹ tập trận ngày 9-9.
Với Mỹ, một mặt, cuộc khủng hoảng Bán đảo Triều Tiên cho thấy rõ thất bại cay đắng của “chính sách kiên nhẫn” có từ thời Obama, tạo thuận lợi cho Bình Nhưỡng cải tiến công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mặt khác, đó lại là cơ hội để Washington bán vũ khí cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời biện minh cho việc tăng cường sự hiện diện của lính Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại châu Á. Trên thực tế, mối họa Triều Tiên chỉ là cái cớ để Mỹ “kềm giữ” mối nguy hiểm thật sự là Trung Quốc.
Thế còn Nhật Bản? Trước hết, mối nguy Triều Tiên cho phép chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe có thể lách điều khoản cấm Nhật Bản có một quân đội “tấn công” theo quy định trong hiệp ước quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ năm 1951. Viện dẫn mối nguy Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản có thể mua hàng tỷ trang thiết bị quân sự của Mỹ.
Ông Shinzo Abe còn lợi dụng hồ sơ này để biện minh cho chương trình sửa đổi hiến pháp chủ hòa, muốn đất nước có một “quân đội bình thường”.
Liên quan đến Trung Quốc, báo Pháp nhắc lại là không nên trông đợi nhiều vào cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Bắc Kinh không bao giờ bỏ rơi Bình Nhưỡng trên phương diện kinh tế lẫn ngoại giao. Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Trung Quốc được xem như là một quốc gia đệm đối phó với sự hiện diện của lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Do đó, đối với Bắc Kinh, giải pháp cho hồ sơ Triều Tiên là qua bàn đàm phán, và mọi ý định dùng vũ lực là điều không thể chấp nhận.
Cuối cùng, nước Nga muốn gì trong cuộc khủng hoảng này? Theo La Croix, Moskva cũng như Seoul chỉ muốn duy trì hiện trạng. Do can dự vào Ukraine, Nga hiện đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Do vậy, Triều Tiên là quốc gia trung chuyển để Nga xuất khẩu nguyên nhiên liệu sang Hàn Quốc.
Như vậy, mỗi quốc gia có những lợi ích riêng, phải chăng các biện pháp trừng phạt mới của LHQ với Triều Tiên sẽ không có hiệu quả? Trả lời phỏng vấn La Croix, bà Sylvie Matelly, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) của Pháp khẳng định là “không”.
Đối với những quốc gia đưa ra sáng kiến, lệnh trừng phạt được cho là có hiệu quả vì cho phép tránh được một cuộc can thiệp quân sự tốn kém (...). Theo quan điểm của bà Matelly, những biện pháp trừng phạt kinh tế hầu như chẳng có tác động nào đối với lãnh đạo Triều Tiên, cũng như thủ đô Bình Nhưỡng, do điều kiện sống đã được cải thiện rõ rệt. Ngược lại, lãnh đạo Triều Tiên còn có thể đả kích cộng đồng quốc tế, mà đứng đầu là Mỹ.
Mộc Thạch - Quang Học (ANTG/tổng hợp)