Friday, September 22, 2017

‘Ngoại giao tàu sân bay’ và toan tính của người Mỹ

 Điều tàu sân bay tới các khu vực có thiên tai tham gia công tác cứu trợ sau thảm họa là cách tiếp cận rộng hơn để Mỹ duy trì ảnh hưởng và thắt chặt mối liên hệ an ninh với các nước. Việc Washington đưa USS Kearsarge tới Caribe đối phó với các thảm họa sau siêu bão Maria cũng không ngoại lệ.

>Chờ vén màn "Vùng 51" bí ẩn
Ngoại giao tàu sân bay
Sau khi nhận định siêu bão Maria sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho nước Mỹ và các nước khu vực Caribe, chính quyền của Tổng thống Trump đã ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp. Đồng thời điều động lực lượng hải quân hùng hậu với tàu sân bay làm trụ cột tới vùng biển Caribe để sẵn sàng đối phó cới các thảm họa sau siêu bão Maria.

Theo các quan chức hải quân Mỹ, tàu sân bay của Mỹ có khả năng hỗ trợ y tế, chuyển hàng cứu trợ, hỗ trợ hậu cần, vận chuyển, cùng các nhiệm vụ đa dạng khác bao gồm đánh giá thiệt hại và an ninh đối với các khu vực thiên tai.
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự tin rằng, thảm họa thiên tai đe dọa sự cai trị của các chính phủ cũng sẽ mở ra những cơ hội hợp tác không chỉ cho các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao, mà thậm chí cho cả các nước đang xung đột.
Trường hợp của Indonesia và tỉnh Aceh qua trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 là một ví dụ điển hình.
Quan hệ Indonesia - Mỹ trước đợt sóng thần cũng không suôn sẻ, đặc biệt là vì năm 1991 khi Mỹ cấm vận Indonesia do các hoạt động quân sự ở Đông Timor.
Tuy nhiên, chính sự cứu trợ tích cực của Mỹ sau sóng thần đã là chất xúc tác cho quan hệ này ấm áp hơn. Cụ thể là sau sóng thần, Mỹ-Indonesia đã đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Năm 2006, Mỹ bỏ cấm vận vũ khí Indonesia, trong khi quân đội Indonesia mở rộng các hoạt động hợp tác đào tạo với quân Mỹ, nhất là đào tạo trong lĩnh vực đối phó và hồi phục các vùng thảm họa.
Chính sự trợ giúp quân sự của Mỹ khi Indonesia gặp nạn đã giúp quan hệ Mỹ - Indonesia đi vào một quỹ đạo mới.
Người Nhật cũng đã có cái nhìn hoàn toàn khác về người Mỹ sau khi Mỹ giúp đỡ Nhật trong thảm họa sóng thần năm 2011. Chính người Nhật đã nhận xét về người Mỹ: "Người Mỹ đã đến và làm nhiều việc đặc biệt tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima mà người Nhật không thể làm, và chính điều này đã chỉ ra sự gắn kết đa dạng của liên minh Mỹ - Nhật.
Ngoài ra, ngoại giao tàu sân bay còn mang đến lợi ích không thể so sánh được cho Mỹ. Đặc biệt, theo Lầu Năm góc Mỹ ưu điểm của những sứ mệnh nhân đạo này: chi phí thấp, không bị cản trở, hiệu quả cao.
Đây không phải là lần đầu tiên người Mỹ tiến hành chính sách “ngoại giao tàu sân bay". Chính sách ngoại giao này được rút ra từ thời chiến tranh lạnh, khi các quan chức Mỹ thông qua một cách tiếp cận rộng hơn để thắt chặt mối liên hệ an ninh với các nước.
Chính sách “Ngoại giao tàu sân bay” như một công cụ chiến lược, cho phép Mỹ xây dựng “quyền lực mềm” thông qua những phương tiện “quyền lực cứng” như tàu sân bay, máy bay vận tải, trực thăng và quân đội.
Như vậy là, việc điều động tàu sân bay tới khu vực Caribe tham gia công tác cứu trợ sau thảm họa cơn bão Maria có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc nâng cao sức mạnh mềm của Mỹ.
Mỹ khẳng định ảnh hưởng ở Caribe
Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Caribe là "môi hở răng lạnh", Washington từ lâu xem khu vực Caribe là "sân sau" của mình tại Tây Bán Cầu. Trong đó, những diễn biến lịch sử của hai quốc đảo Dominica và Haiti nơi mà Mỹ vừa điều động tàu sân bay tới để sẵn sàng ứng phó với các thảm họa sau siêu bão Maria đều có "bàn tay" của người Mỹ.
Tại Dominica, Mỹ đã chiếm đóng quốc gia này trong suốt giai đoạn từ 1916-1924. Đặc biệt, dưới sự can thiệp của Mỹ, cuộc nội chiến cuối cùng tại Dominica vào năm 1965 đã chấm dứt. Sau đó kể từ năm 1978, Cộng hòa Dominicana đã chuyển sang chế độ dân chủ đại diện.
Tại Haiti, vào năm 1994, Mỹ lấy danh nghĩa bảo vệ dân chủ đã đem quân vào Haiti lật đổ chính quyền quân sự của tướng Raoul Cédras và đưa nhà cựu độc tài thân Mỹ từng bị phế truất Jean-Bertrand Aristide trở lại nắm quyền. Từ đó, các ngành kinh tế chủ chốt của Haiti đều do các tập đoàn người Mỹ nắm giữ, và ngày nay Haiti là nước nghèo nhất, có mức sống thấp nhất châu Mỹ.
Trong suốt thế kỷ 20, Mỹ nhiều lần chiếm cả hai nước Dominica và Haiti, mà theo cách giải thích của Mỹ là để lập lại trật tự tại khu vực. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát Mỹ chủ yếu muốm ngăn chặn đe dọa của châu Âu và muốn khẳng định sự ảnh hưởng của nước này khu vực Caribe và rộng hơn là toàn bộ Tây Bán Cấu.
Và chính những mối liên hệ lịch sử này là một trong những lý do khiến Mỹ là quốc gia duy nhất điều tàu sân bay tới khu vực Caribe để sẵn sàng đối phó với siêu bão Maria.
Như vậy, hành động cứu trợ nhân đạo của Mỹ để đối phó với cơn bão khủng khiếp Maria cho thấy được những đánh giá cũng như việc nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia này tại khu vực Caribe và rộng hơn là toàn bộ Bán cầu Tây. 

0 comments:

Post a Comment