Sunday, September 24, 2017

9 vũ khí Mỹ có thể xuyên thủng boong-ke sâu nhất của Triều Tiên

Việc Triều Tiên cất giữ các kho vũ khí hạt nhân của mình trong lòng đất đá rắn, sâu hàng chục mét khiến nỗ lực công phá chúng cực kỳ khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể.


>Iran: Phóng thử thành công tên lửa đạn đạo
Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân cho đến nay đạt được rất ít kết quả. Bình Nhưỡng cũng chưa cho thấy dấu hiệu nào sẽ ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân mới.

Nếu trừng phạt và ngoại giao thất bại, biện pháp nào sẽ được Mỹ tính tới? Ngoại trưởng mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố "tất cả các lựa chọn đều đã đặt trên bàn".
Thế nhưng, một cuộc tấn công quân sự thông thường nhằm vào các khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là gần như không thể.
Những cơ sở quan trọng nhất được Bình Nhưỡng cất giữ sâu dưới lòng đất, trong các quả núi với độ sâu hàng trăm feet, nằm ngoài tầm với của những loại bom phá boong-ke có sức công phá lớn nhất.
Từ nhiều năm nay, Cơ quan Giảm thiểu mối đe dọa về quốc phòng (DTRA) - một tổ chức của Lầu Năm Góc được giao trọng trách đối phó các vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), kể cả những vũ khí được cất giữ sâu dưới lòng đất trong các boong-ke bê tông, hầm ngầm và trong núi, đã tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm đối phó với vấn đề trên.
Tất nhiên, đây là những dự án được giữ bí mật cao nhưng dựa trên các thông tin công nghệ được DTRA và các tổ chức thành viên hé lộ, trang mạng Popular Mechanics vẫn khái quát được 9 loại bom phá boong-ke mà Mỹ có thể sử dụng để tấn công các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
1, Siêu bom GBU-57
Siêu bom phá boong-ke GBU-57 là loại bom tốt nhất và lớn nhất của DTRA hiện nay. Đây là một quả bom nặng 14 tấn, dài 20 feet (6 m), có thể xuyên thủng lớp bê tông dày 60 feet (18,2 m).
Mặc dù GBU-57 đã nhiều lần được nâng cấp nhưng có lẽ siêu bom này vẫn chưa đạt mấy tiến triển, vì vậy khó có thể được nhìn nhận như một vũ khí "làm thay đổi cuộc chơi".
Chiếc Boeing B-52H thả một siêu bom GBU-57 trong lần thử nghiệm tại trường bắn tên lửa White Sands năm 2009. Ảnh: DTRA
2. Lượng nổ lõm khổng lồ
Một lượng nổ lõm khổng lồ có thể khoan một lỗ xuyên sâu vào khối đá rắn, mở đường cho một đầu đạn phóng, sau đó phá hủy mục tiêu chôn sâu bên trong.
Dù có vẻ ấn tượng nhưng công nghệ này rất khó gia tăng kích thước. Lượng nổ lõm lớn nhất được biết tới từ trước đến nay nặng 700 pound (317 kg), do các phòng thí nghiệm quốc gia ở Sandia phát triển năm 2003.
Nó đã khoan sâu được lớp đá dày 20 feet (6 m), tạo ra một đường hầm đủ rộng để sau đó phóng bom hoặc tên lửa tấn công theo. Vụ thử nghiệm được thực hiện ở thời điểm còn rất giới hạn về công nghệ và chưa rõ các lượng nổ lõm này có thể đạt được kích thước lớn hơn nữa không.
3. Bom đồng phân hạt nhân
Vài năm trước đây, DTRA đã tài trợ cho dự án nghiên cứu phát triển một loại thiết bị nổ hoàn toàn mới, được kích hoạt bởi năng lượng giải phóng ra từ đồng phân hạt nhân của nguyên tố hafnium, gọi đơn giản là "bom đồng phân hạt nhân".
Mặc dù sức công phá không mạnh bằng vũ khí hạt nhân nhưng loại bom này mạnh hơn TNT gấp hàng nghìn lần. Đây chắc chắn sẽ là loại bom làm thay đổi cuộc chơi nếu đạt đúng tính năng như vậy.
Vấn đề là ở chỗ, nhiều nhà vật lý tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của một quả bom như vậy. Giải phóng năng lượng từ các đồng phân hạt nhân là điều có thể thực hiện được nhưng chưa rõ năng lượng này có đủ nhanh để phát nổ.
Theo những thông tin được biết cho tới nay, dự án trên đã bị hủy bỏ bởi những câu hỏi liên quan đến tính xác thực của vấn đề khoa học đằng sau đó.
4. Bom tấn công mục tiêu siêu rắn
Nếu không chế tạo được bom phá boong-ke lớn hơn thì hãy làm cho nó nhanh hơn. Đó là ý tưởng đằng sau dự án Đầu đạn tấn công mục tiêu siêu rắn thế hệ kế tiếp của Không quân Mỹ.
Nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với các bom phá boong-ke hiện tại 2.000 pound, loại tên lửa mới có thể được một chiếc F-35 mang theo bên ngoài và được đẩy bằng rocket đạt tới tốc độ cao, có thể ngang vận tốc siêu thanh.
Tuy nhiên, với độ xuyên sâu ước tính khoảng 10 feet, đầu đạn này không đủ mạnh để xuyên tới các boong-ke của Triều Tiên ở độ sâu khoảng 200 feet (60 m) dưới lòng đất.
5. Máy bay không người lái đột kích
Trước đây, Không quân Mỹ từng cân nhắc khả năng phát triển cả "đàn" máy bay không người lái luồn lách vào các cơ sở dưới lòng đất bằng cách trườn qua các ống thông khí hoặc những điểm ra vào khác.
Một nghiên cứu năm 2013 của Không quân Mỹ còn tính tới cả phương án "những chú rắn chui ống", có thể tiếp cận mục tiêu ngầm qua đường ống nước thải và các robot giống như những vỏ kén có thể bám theo con người xâm nhập vào căn cứ.
Đại học Harvard và một số tổ chức khoa học khác từng nghiên cứu các đàn máy bay không người lái tương tự cho những mục đích phi quân sự.
Xét về khía cạnh công nghệ, ý tưởng đàn máy bay không người lái là có thể, nhưng loại hình tấn công này chắc chắn sẽ không thực hiện được quá một lần.
Dự án phát triển các đàn máy bay không người lái của Đại học Havard. Ảnh: Beta Boston

6. Bom xung điện từ
Nếu thực sự không phá hủy được một căn cứ, hãy biến nó thành vô dụng. Đó là ý tưởng phát triển một loại vũ khí đánh sập toàn bộ hệ thống điện và điện tử bằng một xung điện từ công suất lớn nhằm làm tê liệt hoạt động của căn cứ đối phương.
Lục quân Mỹ gần đây phát triển một vũ khí có tên gọi là Phaser, có thể phá hủy các mạch điện bằng một chùm vi song. Không quân Mỹ cũng có một thiết bị tương tự gọi là CHAMP, loại có thể phóng đi bằng tên lửa hành trình.
Vũ khí dạng này sẽ phá hủy được các nhà máy sản xuất hạt nhân dưới lòng đất nhưng lại chẳng thể làm gì với các đầu đạn đã được cất giữ.
7. Bom xâm nhập theo nguyên lý sủi bọt nước
Đây là dự án công phá boong-ke được DTRA phát triển từ vài năm trước, ứng dụng nguyên lý hiệu ứng siêu sủi bọt nước (supercavitation) từng dùng cho các thủy lôi tốc độ cao.
Ý tưởng này sẽ sử dụng một khối bong bóng khí đẩy các lớp đất đá sang bên, rồi các quả bom sẽ trượt dọc theo đó tấn công mục tiêu ngầm chôn sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên từ đó tới nay, gần như không có thông tin nào liên quan được công cố.
8. Bom xuyên sâu Deep Digger
Deep Digger là ý tưởng về một quả bom xuyên sâu nặng 2.000 pound. Với một loạt pháo gắn trên mũi, nó có thể gây nổ, xuyên thủng khối đá cứng tạo thành một đường hầm sâu 200 feet.
Lục quân Mỹ phát triển công nghệ này năm 2007 với mục tiêu sản xuất ra một chuỗi các quả bom Deep Digger được kích nổ, đồng thời tạo ra một vụ động đất nhân tạo làm sụp đổ những boong-ke sâu nhất.
Dù các nguyên mẫu tỏ ra hoạt động tốt nhưng kể từ năm 2009 đến nay chưa có thông tin nào về dự án này được tiết lộ thêm.
9. Robot đào hầm tự động (RUM)
Là anh em họ của Deep Digger, khái niệm đưa ra năm 2010 của DTRA là một robot có thể nhảy dù xuống một khu vực nào đó trước khi tìm đường tới mục tiêu và bắt đầu đào hầm chui xuống, giống như chú Chuột Chũi (the Mole – máy khoan hầm) chuyên chở bằng xe vận tải hạng nặng Thunderbird.
Máy khoan hầm the Mole. Ảnh: Popular Science
RUM cũng sẽ mang theo các hệ thống phòng thủ trong trường hợp có ai đó ngăn chặn nó. Với nguồn năng lượng thích hợp, nó có thể chui tới bất cứ độ sâu nào nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy RUM đã vượt qua giai đoạn đề xuất.
theo Trí Thức Trẻ

0 comments:

Post a Comment