Nếu Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ sẽ dẫn tới một loạt hệ lụy an ninh toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu. Chưa rõ Nga hay Mỹ sẽ được lợi khi INF đổ vỡ, nhưng chắc chắn thay vì Mỹ, châu Âu sẽ trở thành bình địa ngay từ giờ phút đầu của cuộc chiến vì tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
>Tổng thống Mỹ lại gọi ông Kim Jong Un là 'người điên'
Trong khi Nga cáo buộc Mỹ đang vi phạm INF khi triển khai các tổ hợp giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu, thì Washington cho rằng Moscow đang có hành động tương tự khi phát triển tên lửa hành trình R-500 và tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Khả năng Mỹ rút khỏi INF đã trở thành chủ đề chính trên các diễn đàn quân sự quốc tế, khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson không tìm được tiếng nói chung liên quan tới việc giải quyết cáo buộc vi phạm INF của hai bên trong cuộc hội kiến tại Moscow hôm 20-9.
INF đổ vỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh châu Âu và toàn cầu.
Nga và Mỹ có chính kiến khác biệt liên quan tới INF
“Nga đang rất quan ngại việc các giếng phóng đa dụng MK-41 thuộc hệ thống lá chắn tên lửa Aegis Ashore đang ngày một được triển khai sát lãnh thổ Nga. Những thiết bị phóng này không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà khi cần có thể lắp tên lửa hành trình với tầm bắn hàng nghìn km, tương tự như hệ thống vũ khí trang bị trên các chiếm hạm Hải quân Mỹ. Washington đang vi phạm nghiêm trọng INF”, chuyên gia quân sự Nga Victor Murakhovsky nhận định.
Ngoài ra, việc triển khai các thành phần lá chắn tên lửa tại châu Âu, Mỹ cũng sẽ sử dụng các tên lửa đạn đạo giả lập để kiểm tra hệ thống. Đây chính là “kẽ hở” để Washington có thể lắp đặt các dòng tên lửa đạn đạo vi phạm INF tại châu Âu.
Tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Ashore Mỹ triển khai tại châu Âu
Với các bệ phóng đa dụng MK-41, Aegis Ashore hoàn toàn có thể trang bị tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn tới 2.000km.
“Không chỉ việc sử dụng các tên lửa đạn đạo giả lập mục tiêu vi phạm INF, mà việc Mỹ sản xuất các dòng vũ khí như vậy cũng đã là hành động trái quy định của hiệp ước”, hãng tin Nga RIA Novosti đánh giá.
Ngoài ra, theo học thuyết Tấn công nhanh toàn cầu – PGS, Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn thông thường tấn công chính xác các mục tiêu để phù hợp với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START). Tuy nhiên, hiện tại, quá trình này vẫn chưa được tiến hành. Giới chức quân sự Nga cho rằng, PGS đang là cái cớ để Washington tiếp tục duy trì các ICBM đáng ra phải bị loại bỏ theo START.
Trong khi đó, Washington tuyên bố rất quan ngại với các chương trình phát triển tên lửa mới của Nga, trong đó đặc biệt là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật-chiến dịch Iskander-M với đạn tên lửa hành trình P-500 và ICBM RS-26 Rubezh. Moscow đang vi phạm INF khi triển khai các dòng tên lửa nói trên.
“Giới chức quân sự Mỹ tin rằng, tên lửa hành trình P-500 có tầm bắn vượt quá 500km, còn ICBM RS-26 Rubezh là dưới 5.500km. Tất cả chúng đều vi phạm INF”, chuyên gia V. Murakhovsky cho biết.
Ai hưởng lợi nếu INF đổ vỡ?
Liên quan tới khả năng Mỹ rút khỏi INF, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Liên bang Nga, Frants Klintsevich khẳng định, Moscow đã có kế hoạch đáp ứng với mọi động thái của Washington.
“Nếu Mỹ rút khỏi INF, chúng tôi sẽ khởi động các chương trình phát triển vũ khí đặc biệt, trong đó các dòng tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới có tầm bắn tới 1.500km. Cùng với đó, Nga cũng xem xét lại chiến lược an ninh quốc gia và nâng cấp hệ thống phòng thủ chiến lược”, ông F. Klintsevich nhấn mạnh.
Tên lửa Iskander là một trong những đối trọng của Nga với Mỹ và phương Tây tại châu Âu.
Theo lời Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và an ninh Liên bang Nga, Moscow đang sở hữu đủ công nghệ lõi để bắt tay ngay vào phát triển các dòng tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới.
Hôm 18-9, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt chiến lược an ninh quốc gia mới với việc “bật đèn xanh” cho Lầu Năm góc phát triển các tổ hợp tên lửa hành trình cơ động mới với tầm bắn từ 500 tới 5.500km.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh, INF là dấu mốc an ninh quan trọng của châu Âu: “Châu Âu đang gặp nguy hiểm. Washington phải có trách nhiệm duy trì hiệp định INF để đảm bảo ổn định chiến lược tại châu Âu”.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, việc Mỹ rút khỏi INF, có thể dẫn tới việc Nga, Mỹ không thể gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) và châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Phản ứng đầu tiên của phía Moscow sau khi INF đổ vỡ là việc triển khai các đơn vị tên lửa đạn đạo chiến thuật-chiến thuật Iskander-M tại vùng Kaliningrad. Với tầm bắn đạt tới 800km cho phiên bản đạn tên lửa đạn đạo và 2.000km cho phiên bản đạn tên lửa hành trình, các tổ hợp Iskander sẽ đưa tất cả các vị trí đóng quân của Mỹ tại châu Âu trong tầm bắn. Châu Âu có thể trở thành bình địa ngay từ giờ phút đầu của cuộc chiến khi sử dụng tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Như vậy châu Âu sẽ là chiến trường chính nếu xảy ra đại chiến thế giới, vì thế buộc giới chức Mỹ và phương Tây phải cân nhắc lại kế hoạch của mình.
TUẤN SƠN (Báo Quân đội nhân dân)
0 comments:
Post a Comment