Việc Mỹ bắn hạ tên lửa Triều Tiên có thể gây hiểu nhầm, vô tình kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm và trả đũa hạt nhân của Nga.
>Mỹ tập trận cùng tàu chiến Nhật sát sườn Triều Tiên
>Phương án quân sự Mỹ có thể áp dụng với Triều Tiên
Quan chức quân đội Mỹ hôm 18/9 cho biết nước này đang cân nhắc bắn hạ tên lửa Triều Tiên, kể cả khi nó không đe dọa trực tiếp đến Mỹ và đồng minh. Giới chuyên gia cho rằng quyết định bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bình Nhưỡng có nguy cơ dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa Moscow và Washington, theo National Interest.
Một vụ đánh chặn có thể bị nhầm với đòn tấn công phủ đầu bằng ICBM. Ảnh minh họa: Boeing.
Nga đã tái thiết, nâng cấp phần lớn hệ thống radar cảnh báo sớm trên mặt đất, vốn bị xuống cấp kể từ khi Liên Xô tan rã. Nước này vẫn chưa hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm trong không gian, nhưng mạng lưới phòng thủ của Moscow đủ hiện đại để tránh phát động một cuộc tấn công trả đũa hạt nhân vì lỗi hệ thống, điều từng suýt xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vẫn tồn tại nguy cơ Nga tấn công trả đũa khi phát hiện các tên lửa phóng lên từ lãnh thổ Mỹ. "Khi một chính phủ không hoàn toàn tự tin về khả năng sống sót của hệ thống răn đe hạt nhân, đồng thời cho rằng đối phương có chung nhận định, họ sẽ muốn duy trì quyền trả đũa để răn đe", Olga Okiler, giám đốc chương trình Nga và Á-Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Nga sẽ phải dựa vào hệ thống cảnh báo sớm để bảo đảm họ không bị bất ngờ trong mọi tình huống. Tuy nhiên, vấn đề của Moscow là radar mặt đất không thể đưa ra cảnh báo nhanh bằng vệ tinh trong không gian.
Nga có mạng lưới radar hiện đại, nhưng không nhanh bằng vệ tinh cảnh báo. Ảnh: Sputnik.
Cả Mỹ và Nga đều xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trên nền tảng vệ tinh và radar mặt đất. Tuy nhiên, Nga mới chỉ vận hành hai trong tổng số 12 vệ tinh dự kiến, họ cần thêm thời gian để đưa vệ tinh mới vào không gian, thay thế những vệ tinh từ thời Liên Xô.
Nếu chỉ dựa vào hệ thống mặt đất, nhiều khả năng lá chắn phòng thủ của Nga sẽ nhầm lẫn giữa một vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo với một đòn tấn công phủ đầu bằng ICBM. "Mỗi quốc gia cần nhiều hệ thống cảnh báo sớm để có thêm thời gian xác nhận nguy cơ bị tấn công phủ đầu, cũng như ra quyết định đáp trả hay không", Mike Kofman, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA), cho biết.
Các chuyên gia đặc biệt lo ngại việc Nga tin tưởng vào hệ thống ICBM đặt trong hầm phóng, dù họ có nhiều bệ phóng di động và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có khả năng sống sót cao hơn. Điều này khiến Moscow sẵn sàng tung đòn trả đũa hạt nhân khi cảm thấy bị đe dọa.
Giải pháp tốt nhất để tránh nguy cơ này là Mỹ thông báo trước cho Nga về ý định bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Nhưng trong những thời điểm gấp gáp như vậy, lựa chọn này gần như là bất khả thi và hiểm họa chiến tranh hạt nhân vô tình nổ ra vẫn sẽ đeo bám hai cường quốc Nga và Mỹ, chuyên gia Kofman nhận định.
Duy Sơn (Báo vnexpress)
0 comments:
Post a Comment