Kích nổ bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương sẽ chứng minh thành công của chương trình hạt nhân Triều Tiên, nhưng là bước đi đầy rủi ro.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho hôm 21/9 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang xem xét việc thử nghiệm "bom nhiệt hạch lớn chưa từng có" trên Thái Bình Dương, nhằm đáp trả bài phát biểu hăm dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên có thể dùng tên lửa Hwasong-12 để mang đầu đạn nhiệt hạch. Ảnh: Reuters.
Kích nổ một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trên Thái Bình Dương sẽ là bước đi hợp lý tiếp theo của Triều Tiên, chứng tỏ nước này đã thành công trong chương trình phát triển vũ khí. Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng đây là hành động cực kỳ nguy hiểm và mang tính khiêu khích quá cao, Reuters đưa tin.
"Điều này có thể đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa (IRBM) Hwasong-12 hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 mang đầu đạn hạt nhân, sau đó kích nổ ở độ cao vài trăm km bên trên Thái Bình Dương", nhà nghiên cứu Yang Uk thuộc Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Ông Yang Uk cho rằng Triều Tiên có thể đang tung đòn gió, nhưng họ vẫn cần thử nghiệm khả năng lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa. "Triều Tiên có thể đã lên kế hoạch từ trước và lợi dụng phát biểu của Tổng thống Trump để làm cớ phóng tên lửa", ông Yang nhận định.
Nếu tuyên bố của Bình Nhưỡng trở thành hiện thực, đó sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên ở khí quyển Trái Đất trong gần 40 năm qua. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết vụ thử trong khí quyển gần đây nhất diễn ra vào năm 1980, khi Trung Quốc thử một đầu đạn nhiệt hạch.
Các vụ thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân còn hiếm gặp hơn. Mỹ chỉ thực hiện duy nhất một lần khi phóng tên lửa từ tàu ngầm ngoài Thái Bình Dương vào tháng 10/1962. Trung Quốc từng bị lên án rộng rãi vì tiến hành hoạt động tương tự ở khu vực Lop Nur vào năm 1966. Trong khi đó, cả 6 lần thử hạt nhân của Triều Tiên đều diễn ra dưới lòng đất.
"Chúng ta phải nhận định rằng họ có khả năng làm như vậy, nhưng nó sẽ mang tính khiêu khích quá mức. Lắp đầu đạn hạt nhân lên mẫu tên lửa mới chỉ thử nghiệm vài lần, cho nó bay qua các khu vực đông dân cư... Nếu mọi việc không đúng kế hoạch, đó sẽ là sự kiện thay đổi toàn thế giới", giáo sư Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ cho biết.
Các vụ thử thành công ICBM và IRBM cho thấy sự tiến bộ khó ngờ của Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters.
Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo qua vùng Hokkaido, phía bắc Nhật Bản hồi tháng trước. Loạt thử nghiệm này cho thấy bước tiến bộ nhanh khó ngờ trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
"Khi họ nhắc tới Thái Bình Dương, nó có nghĩa là tên lửa sẽ bay qua Nhật Bản. Triều Tiên muốn chấm dứt mọi nghi ngờ về khả năng chế tạo IRBM và ICBM của họ", nhà nghiên cứu Melissa Hanham tuyên bố.
Tên lửa đạn đạo sẽ là phương án triển khai đầu đạn hạt nhân tối ưu cho Triều Tiên. Nước này cũng có thể đặt bom nhiệt hạch lên một tàu biển và kích nổ. Phương án nào cũng sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về môi trường và ngoại giao. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từng gọi hành động phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật của Triều Tiên là "hoàn toàn không thể chấp nhận".
Giáo sư Narang cho biết việc kích nổ bom hạt nhân ở độ cao lớn sẽ hạn chế phát tán bụi phóng xạ, nhưng lại gây nguy cơ phá hủy mọi thiết bị điện do xung điện từ (EMP). Triều Tiên từng dọa sẽ dùng vũ khí EMP để tấn công Mỹ và các đồng minh.
"Nếu vụ thử lệch kế hoạch và đầu đạn kích nổ ở độ cao nhỏ, chúng ta sẽ thấy một số hiệu ứng của EMP và thiệt hại nặng về môi trường thiên nhiên", ông Narang nhận định.
Lý do Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo
Triều Tiên đã phóng thử 22 tên lửa đạn đạo trong năm nay, nhằm hoàn thiện khả năng làm chủ vũ khí hạt nhân có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Nếu lời đe dọa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trở thành hiện thực, nó sẽ là điểm đánh dấu sự thay đổi chính sách của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy nhiều quốc gia yêu cầu chấm dứt chế độ lãnh đạo Triều Tiên.
Một số chuyên gia khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không vội vàng thử hạt nhân trong khí quyển vì lý do kỹ thuật và rủi ro về ngoại giao. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu đây là bước tiếp theo của Bình Nhưỡng. Họ vẫn chưa thử ICBM ở tầm bắn tối đa trên Thái Bình Dương, đó sẽ là yếu tố cần hoàn thành trước tiên", cây bút Joshua Pollack kết luận.
Tử Quỳnh (Báo vnexpress)
0 comments:
Post a Comment